Men răng là gì?

Men răng là một trong bốn mô lớn cấu tạo nên răng. Đây là lớp nằm ngoài cùng bao quanh răng có chức năng bảo vệ ngà và tủy răng. Trong cơ thể, men răng được xem là phần cứng nhất vì chứa đến 96% muối khoáng, 4% còn lại là chất hữu cơ, nước. Mặc dù là lớp bảo vệ răng, khá cứng chắc nhưng bộ phận này rất dễ bị sứt mẻ, vỡ,… khi bạn ăn thực phẩm dai cứng.

Bên cạnh đó, lớp men này có thể bị bào mòn theo thời gian do môi trường axit trong khoang miệng. Cơ thể sẽ không có cơ chế tự phục hồi răng bị tổn thương. Chính vì thế khi lớp bảo vệ dần suy yếu, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào ngà răng. Điều này gây ra các bệnh lý về răng miệng.

Men răng là lớp màu trắng, nằm ngoài cùng của răng
Men răng là lớp màu trắng, nằm ngoài cùng của răng

Mặc dù bao phủ toàn bộ răng, nhưng độ dày của men răng không đều nhau. Lớp men dày nhất nằm ở phần đầu răng với 2,5 mm. Cổ răng là nơi có phần men mỏng nhất trên răng. Bên cạnh đó, độ dày mỏng của phần mô cứng này còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố di truyền. Nếu cha mẹ có men răng mỏng yếu thì con cũng sẽ mang đặc điểm răng miệng này.

Chức năng chính của lớp men này là bảo vệ các mô mềm bên trong răng khỏi vi khuẩn và tác nhân gây hại. Từ đó giúp tủy răng cảm nhận nhiệt độ, mùi vị thức ăn một cách tốt nhất. Chính vì thế, khi lớp men bị tổn thương, bạn sẽ cảm thấy đau nhức, ê buốt,… khi ăn thực phẩm nóng lạnh.

Thành phần chính của men răng

Bên cạnh 96% khoáng chất, men răng còn được cấu tạo bởi nước và các vật liệu hữu cơ. Dưới đây là các thành phần chính mà Nha khoa Phúc Gia đã tổng hợp được.

Các nguyên tố vi lượng

Các nguyên tố vi lượng như: Manganese, vanadium, strontium, molybdenum,… là những thành phần cấu tạo nên lớp bảo vệ răng. Những lượng tố này có vai trò ức chế sự tiến triển của vi khuẩn gây sâu răng. Đồng thời, chúng còn bảo vệ răng khỏi tác nhân gây hại từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, trong men răng còn chứa thành phần Fluoride. Đây là loại khoáng chất cần thiết cho quá trình tái khoáng, tăng cường độ cứng giúp phòng ngừa sâu răng hiệu quả. Chính vì thế, nha sĩ thường khuyến khích bạn nên sử dụng kem đánh răng có chứa Fluoride.

Thành phần Fluoride có trong răng
Thành phần Fluoride có trong răng

Protein

Protein là một trong những thành phần chính cấu tạo nên lớp bảo vệ răng. Theo các chuyên gia, nồng độ chất đạm trong răng sẽ thay đổi theo quá trình trưởng thành của bạn. Đối với em bé còn trong bụng mẹ, protein chủ yếu được cấu tạo bởi các thành phần như: Histidine, proline, glutamic acid. Trong khi đó, chất đạm trong răng của người trưởng thành sẽ bao gồm: Glycine, serine, aspartic acid. Thông thường, bạn sẽ thấy protein sẽ tập trung nhiều ở các rãnh, dọc theo cổ răng.

Cấu trúc các tinh thể men

Cấu trúc tinh thể được tạo thành từ một số khoáng chất nhưng chủ yếu là Canxi hydroxyapatite. Trong đó, hydroxyapatite được cấu tạo từ ion hydroxyl, phosphate và canxi. Các thành phần này được sắp xếp theo quy luật, tạo thành cấu trúc tinh thể. Khi hydroxyapatite phản ứng với Fluor sẽ tạo ra các fluorapatite giúp lớp bảo vệ răng trở nên cứng chắc hơn, ngăn ngừa sâu răng.

Cấu trúc tinh thể Canxi hydroxyapatite
Cấu trúc tinh thể Canxi hydroxyapatite

Nước

Trong men răng còn chứa một lượng nước nhỏ, nằm giữa Protein. Thành phần này có vai trò tham gia vào quá trình tạo thành vỏ Hydrat xung quanh các cấu trúc tinh thể. Từ đó góp phần giúp lớp bảo vệ răng trở nên cứng chắc hơn. Như vậy, ngoài 96% khoáng chất, lớp bảo vệ răng còn được cấu tạo bởi những thành phần hữu cơ và nước.

Chức năng của men răng

Mặc dù chỉ là lớp bảo vệ nằm ngoài cùng, nhưng men răng đảm nhận rất nhiều chức năng quan trọng. Cụ thể:

Bảo vệ ngà răng, tủy răng

Men răng là lớp bao phủ toàn bộ răng và có cấu tạo khá cứng chắc giúp bảo vệ ngà, tủy răng khỏi sự tấn công của vi khuẩn. Theo như nghiên cứu, trong ngà răng có hàm lượng khoáng chất không cao. Chính vì thế, lớp mô mềm này sẽ dễ dàng bị bào mòn bởi môi trường axit trong khoang miệng từ thức ăn, đồ uống hay do vi khuẩn gây ra. Nếu không có sự bảo vệ của men răng, tình trạng sâu răng sẽ dễ dàng xảy ra và tiến triển nặng hơn. Điều này gây ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt của người bệnh.

Bên cạnh đó, lớp men này còn đóng vai trò ngăn cách các bộ phận bên trong với nhiệt độ thức ăn nên bạn sẽ không cảm thấy đau nhức hay ê buốt khi nhai. Do đó, nếu bạn cảm thấy ê buốt khi ăn nhai, có thể lớp men răng đã bị mòn hoặc tổn thương.

Men răng có chức năng bảo vệ ngà và tủy răng
Men răng có chức năng bảo vệ ngà và tủy răng

Thực hiện các chức năng sinh lý

Ngoài chức năng bảo vệ, men răng còn là bộ phận chính để thực hiện chức năng ăn nhai. Lớp men dày nhất nằm ở phần đầu răng, nhờ đó bạn có thể nhai thức ăn cứng một cách dễ dàng. Nếu như men răng bị phá hủy làm lộ ngà răng, tủy răng,… Lúc này bạn sẽ cảm thấy ê buốt khi ăn các thực phẩm nóng lạnh. Việc ăn uống của bạn cũng trở nên khó khăn hơn. Đồng thời khả năng ăn nhai của răng cũng sẽ bị suy giảm.

Bên cạnh đó, nếu bạn chăm sóc răng không đúng cách, men răng bị ngả vàng sẽ gây mất thẩm mỹ, đồng thời dẫn đến các bệnh lý răng miệng nghiêm trọng.

Những tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến men răng

Các chuyên gia nha khoa đã chỉ ra, men răng là bộ phận cứng chắc nhất trong cơ thể con người. Tuy nhiên, thành phần này cũng sẽ bị bào mòn, mẻ, vỡ,… bởi những nguyên nhân sau:

  • Dùng răng cắn đồ vật cứng: Thói quen dùng răng cắn nắp chai bia, đầu bút bi, hay nắp chai,… ở một số người sẽ khiến men răng bị yếu đi và vỡ, mẻ.
  • Nghiến răng: Thói quen này sẽ gây ra lực ma sát giữa bề mặt răng. Lâu dần, lớp men răng sẽ bị bào mòn. Điều này, khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, tấn công vào các mô mềm bên trong dẫn đến sâu răng. Chính vì thế, đây là thói quen xấu bạn cần phải thay đổi.
  • Ăn thực phẩm chứa nhiều đường, chất kích thích: Một số loại thức ăn, đồ uống chứa nhiều đường và chất kích thích như: Kẹo, cà phê, rượu bia,… sẽ khiến men răng bị mòn đi nhanh chóng đồng thời thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn. Bên cạnh đó, các loại thực phẩm này cũng khiến men răng dễ bị xỉn màu.
Ăn thực phẩm chứa nhiều đường gây mòn men răng
Ăn thực phẩm chứa nhiều đường gây mòn men răng
  • Vệ sinh răng miệng sai cách: Không thường xuyên đánh răng hoặc chải răng sai cách sẽ khiến vi khuẩn và các mảng bám tích tụ trong khoang miệng. Điều này thúc đẩy quá trình men răng bị mòn, gây ra các bệnh lý răng miệng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, thường xuyên ợ chua, khô miệng, ăn thức ăn có chứa nhiều axit, di truyền,… cũng là những nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến men răng.

Một số bệnh lý về men răng mà bạn cần biết

Thông thường, nếu men răng bị yếu đi bạn có thể sẽ gặp phải một số bệnh lý về răng miệng dưới đây:

Mòn men răng

Đây là bệnh lý răng miệng khá phổ biến và rất thường gặp trong nha khoa. Bạn có thể nhận biết tình trạng mòn men răng qua những dấu hiệu sau:

  • Cổ răng bị khuyết vào trong.
  • Mặt trước của răng bị lõm vào bên trong tạo thành hình chữ V.
  • Ngà răng bị đổi màu.
  • Răng bị sứt mẻ.

Mòn men răng nếu không được khắc phục kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng sâu răng, ê buốt khi ăn đồ nóng, lạnh. Ngoài ra, nó còn gây mất tính thẩm mỹ của nụ cười.

Sâu răng

Sâu răng là bệnh lý răng miệng mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Quá trình răng bị sâu thường qua 4 giai đoạn:

  • Sâu men răng: Trong giai đoạn này, vi khuẩn sẽ bắt đầu tấn công và phá hủy men răng. Lúc này, trên bề mặt răng sẽ xuất hiện những đốm trắng, đen. Sau đó, lớp men răng sẽ bắt đầu bị mẻ, vỡ,… và làm lộ ngà răng ra ngoài.
  • Sâu ngà răng: Khi sâu răng tiến triển vào ngà răng, bạn sẽ cảm thấy những cơn đau nhức, ê buốt,… mỗi khi ăn thực phẩm nóng hoặc lạnh.
  • Viêm tủy răng: Khi lớp men và ngà răng bị phá hủy hoàn toàn, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào tủy răng. Khi tủy bị viêm, bạn sẽ thường xuyên bị đau nhức răng dữ dội. Cơn đau gây ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày.
  • Chết tủy: Đây là giai đoạn nghiêm trọng nhất của sâu răng. Lúc này bạn sẽ không còn cảm thấy ê buốt hay đau nhức răng. Tuy nhiên, chết tủy sẽ làm răng dần dần bị lung lay và gãy.
Sâu men răng
Sâu men răng

Thiếu sản men răng

Thiếu sản men răng xảy ra khi cấu trúc men răng bị lỗi, răng hình thành không hoàn toàn. Điều này khiến men răng bị thiếu hụt. Bạn sẽ thấy răng có màu nâu, mũm, cụt hoặc làm lộ ngà răng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do di truyền hoặc tác động từ bên ngoài.

Những cách phục hồi men răng hiệu quả hiện nay

Mặc dù cơ thể không thể tự phục hồi men răng bị mòn, nhưng bạn có thể đến nha khoa để khắc phục tình trạng này. Điều này sẽ giúp bạn ngăn chặn được các bệnh lý răng miệng.

Trám răng thẩm mỹ

Đối với những trường hợp men răng bị sứt mẻ nhẹ, nha sĩ có thể chỉ định bạn trám răng thẩm mỹ (hàn trám răng). Bằng cách sử dụng các vật liệu nhân tạo, bác sĩ sẽ giúp bạn trám bít phần răng bị tổn thương. Hiện nay, Composite là chất trám răng được nha sĩ sử dụng nhiều nhất. Vật liệu trám này có tính thẩm mỹ cao và màu sắc tương đồng với răng thật.

Mặt khác, mỗi chất trám răng sẽ có độ bền khác nhau. Chính vì thế, bạn nên tham khảo ý kiến của nha sĩ về cách chăm sóc răng, phù hợp với đặc tính của miếng trám.

Hán trám răng phục hồi men răng hiệu quả
Hán trám răng phục hồi men răng hiệu quả

Bọc răng sứ

Bọc răng sứ là kỹ thuật nha khoa có thể khắc phục được các nhược điểm của phương pháp hàn trám răng. Mặc dù không thể phục hồi men răng, nhưng nha sĩ sẽ tạo một lớp “vỏ” bảo vệ răng. Phần mão sứ ở phía ngoài sẽ bao phủ toàn bộ răng, ngăn cách ngà, tủy răng khỏi vi khuẩn. Điều này sẽ giúp bạn không còn cảm thấy đau nhức, ê buốt khi ăn uống. Bên cạnh đó, màu răng khi bọc sứ cũng được cải thiện và mang đến tính thẩm mỹ cao. Hiện nay có rất nhiều dòng sứ nổi tiếng trên thị trường. Tùy vào nhu cầu, bạn hãy chọn cho mình loại sứ phù hợp nhé!

Bọc răng sứ bảo vệ răng hiệu quả khỏi tác nhân gây hại
Bọc răng sứ bảo vệ răng hiệu quả khỏi tác nhân gây hại

Tẩy trắng răng

Dấu hiệu đầu tiên nhận biết men răng bị mòn đó là màu răng ngả vàng. Khi gặp phải tình trạng này, tẩy trắng răng sẽ là giải pháp hiệu quả nhất dành cho bạn. Nha sĩ sẽ sử dụng các chất oxy hóa thấm qua lớp men. Khi lớp canxi bảo vệ răng tiếp xúc với năng lượng ánh sáng xanh từ công nghệ tẩy trắng răng hiện đại sẽ tạo ra phản ứng oxi hóa. Quá trình này làm cắt đứt các nhân tố tạo màu trên bề mặt răng. Phương pháp này không gây bào mòn răng, mang đến hàm răng trắng sáng hiệu quả.

Tẩy trắng răng giúp màu răng trắng sáng hơn
Tẩy trắng răng giúp màu răng trắng sáng hơn

Cách bảo vệ men răng luôn chắc khỏe

Để giúp lớp canxi bảo vệ răng luôn chắc khỏe trước và sau khi phục hồi, bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Đánh răng thường xuyên: Chải răng ít nhất 2 lần/ngày là điều mà nha sĩ khuyến khích thực hiện để có thể giúp hàm răng trở nên chắc khỏe. Bên cạnh đó, bạn nên kết hợp sử dụng kem đánh răng chứa Fluor để tăng cường tái khoáng men răng.
  • Hạn chế ăn thực phẩm nhiều đường, axit: Bạn nên hạn chế ăn hoặc uống các loại thực phẩm như: Kẹo, nước ngọt, giấm, rượu bia,… Thay vào đó hãy bổ sung rau xanh, vitamin vào trong bữa ăn của mình.
  • Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá không chỉ khiến răng bị ngả vàng mà còn gây ra hiện tượng mòn men răng.
  • Bổ sung canxi: Phụ nữ mang thai nếu mắc các bệnh lý về răng miệng sẽ có nguy cơ sảy thai cao hơn người bình thường. Thế nên, mẹ nên ăn đủ các thực phẩm giàu canxi để giúp răng miệng trở nên chắc khỏe hơn.
  • Đến nha khoa thăm khám: Đây là cách bảo vệ răng chắc khỏe hiệu quả nhất. Đến nha khoa thăm khám định kỳ sẽ giúp bạn phát hiện những thay đổi bất thường của răng miệng mà không thể nhận thấy bằng mắt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *